Thành phố Thủ Đức tuy mới thành lập nhưng có một quá trình hình thành và phát triển lâu đời xuất phát điểm là huyện Thủ Đức, năm 1997 chia tách thành 3 quận cho đến năm 2021. Tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển ổn định qua từng năm, xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có chất lượng, được nhiều người biết đến, mang tính đặc thù riêng có của thành phố Thủ Đức
* Về sản phẩm nông nghiệp có nhiều sản phẩm truyền thống như: kiểng bonsai, hoa nền, hoa lan, lúa nước… đặc biệt là cây mai vàng rất nổi tiếng và được ưa chuộng
- Cái nôi của cây bonsai khu vực phía nam phải nói đến làng nghề sản xuất cây giống - hoa kiểng của huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre hay thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Theo đó phát triển đến các vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Thủ Đức. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của con người ngày càng được nâng cao, việc trồng và thưởng thức cây bonsai cũng trở thành một thú chơi phổ biến bên cạnh việc tạo ra thu nhập. Cái đẹp của cây bonsai là đơn giản hóa cho vừa đủ, hóa cách để lấy những nét chính của kiểu dáng nhưng quan trọng hơn là gửi gắm đến những thông điệp ý nghĩa, tinh thần nhân văn cho người thưởng thức. Cây kiểng bonsai tượng trưng cho sự hài hòa giữa người và thiên nhiên Nhưng để có được những cây kiểng bonsai vừa ý, đẹp và có giá trị đòi hỏi phải thực hiện được một quá trình hoàn hảo gồm nhiều giai đoạn: làm vườn, kỹ thuật chuyên môn, nghệ thuật, triết học và trồng bonsai... Do đó, tại thành phố Thủ Đức nghề làm cây kiểng bonsai chủ yếu là kinh doanh là chính hiện có 12 hộ sản xuất và 28 hộ kinh doanh mua bán
- Phong lan là một loại hoa cảnh phổ biến, chúng có rất nhiều chủng loại, đa dạng về màu sắc, mỗi loại mang một ý nghĩa khác nhau. Phong trào chơi hoa lan phát triển mạnh mẽ, số người chơi hoa lan ngày càng đông đảo, kiểu chơi cũng rất phong phú. Gắn với nông nghiệp đô thị, trước đây Quận 9 và Quận Thủ Đức (cũ) đã tập trung phát triển diện tích trồng lan chủ yếu là lan cắt cành mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. Tuy nhiên quy mô hiện nay thu hẹp dần do ảnh hưởng khí hậu và diện tích giảm khoảng 24 hộ với diện tích 12.000 m2 , chủ yếu tập trung kinh doanh mua bán là chính
- Mai vàng là một sản phẩm có ý nghĩa lịch sử, truyền thống được du nhập và phát triển trên địa bàn thành phố Thủ Đức lâu đời, mang lại giá trị kinh tế cao, có tiếng tăm trong khu vực và cả nước. Mai vàng được trồng với diện tích lớn hơn nhiều so với các loại cây kiểng khác, hơn nữa trước đây và cho đến nay hầu hết mỗi gia đình tuy không có đất nhiều nhưng đều trồng vài cây mai trước nhà hoặc trồng chậu để tạo cảnh quan và thưởng thức hoa mai ngày Tết
* Về ẩm thực thì có vô số loại sản phẩm phong phú và chất lượng như: Bánh nậm, Bún bò Ngọc Dung, nem…trong đó nghề làm nem đã được người dân khắp mọi nơi xem như là nghề truyền thống khu vực Thủ Đức
- Bún bò Ngọc Dung được thành lập từ năm 1983, quán có tuổi đời khá lâu nên hầu như khách đi du lịch cũng đều ghé qua. Bún bò ở đây nấu theo đúng kiểu Huế tuy nhiên nó được cải biên một chút cho phù hợp với khẩu vị dân Miền Nam, nước lèo rất ngọt xương, nhưng lại rất thanh, sợi bún ở đây nhỏ hơn bình thường nên ăn nhiều cũng cảm thấy đỡ ngán hơn mà nhìn cũng đẹp mắt hơn
- Bánh nậm là một loại bánh dân dã nổi tiếng của ẩm thực xứ Huế cùng với bánh bèo và bánh bột lọc. Với hương vị thơm ngon, người dân đã làm bánh và mang đi giao thương khắp Việt Nam. Vùng đất Thủ Đức khi xưa chiếc bánh nậm cũng đã dừng chân tại đây và người dân nơi đây vẫn dùng hương liệu bột gạo, tôm, tép giã nhuyễn, cùng với khẩu vị dân Miền Nam bột ngọt, muối... để làm nên chiếc bánh nậm rất đặc trưng của vùng Thủ Đức
- Nem Thủ Đức, một cụm từ mà khi về Thủ Đức nói ăn gì người ta đều nghĩ đến, được hình thành và phát triển từ lâu, một sản phẩm ẩm thực độc đáo Nem Thủ Đức đã được nhiều đời, nhiều miền biết đến một cách rộng rãi và được truyền tụng qua từng thời gian, trở nên nổi tiếng, đã được lưu lại qua hình ảnh những thước phim tư liệu độc đáo mà mọi người có thể xem mộtcách dễdàng
* Về sản phẩm du lịch: Thành phố Thủ Đức - thành phố trẻ - vùng đất đầy tiềm năng phát triển du lịch, với 358 cơ sở lưu trú du lịch kinh doanh 02 loại hình chủ yếu là khách sạn và nhà nghỉ, ngoài ra còn có các cơ sở kinh doanh lưu trú theo mô hình Homestay và Airbnb; có 29 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trong đó 18 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 11 doanh nghiệp lữ hành nội địa; đặc biệt thành phố Thủ Đức có 35/366 tài nguyên, chiếm tỷ lệ 9,5% (theo nguồn Dữ liệu tài nguyên du lịch Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Du lịch thống kê ngày 13 tháng 10 năm 2021) đứng vị trí thứ 3 của toàn Thành phố Hồ Chí Minh về số lượng tài nguyên du lịch tạm phân chia theo các mô hình như sau:
- Du lịch về nguồn gắn với các lễ hội: trên địa bàn thành phố Thủ Đức hiện có các điểm di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật như Bót Dây Thép, Căn cứ Vùng Bưng 6 Xã, Đình Phong Phú, chùa Hội Sơn,… Bên cạnh đó, các lễ hội diễn ra hằng năm như Hội thi nấu bánh Tét vào Tết Nguyên đán và Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương tại khuôn viên Khu lịch sử Văn hóa các Dân tộc, Lễ Hội trái cây Nam Bộ trong khuôn viên Công viên Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Lễ Vu Lan tại Bảo tàng Áo Dài... thu hút rất nhiều du khách tham quan, học tập và tham gia trải nghiệm một số hoạt động trong khuôn khổ lễ hội
- Du lịch sinh thái: mặc dù diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra nhanh chóng nhưng thành phố Thủ Đức vẫn còn lưu giữ nhiều nhà vườn xanh mát (Nhà vườn Long Phước, Nhà vườn Long Thuận - Bảo tàng Áo Dài), những đầm sen bát ngát hay vườn hoa rực rỡ (Đầm sen Tam Đa, Vườn hoa nền Phước Thiện, Vườn hoa hướng dương Khu đô thị Vạn Phúc..)
- Du lịch vui chơi giải trí, trải nghiệm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nuôi trồng… các chủ đầu tư không ngừng đổi mới, sáng tạo các loại hình vui chơi, giải trí tại các điểm kinh doanh hiện hữu; đồng thời đã và đang hoàn thiện hoặc xây dựng thêm một số hạng mục công trình phù hợp để được công nhận là khu du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch 2017 (Công viên Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Khu vui chơi The BCR, Khu giải trí Song Long, Khu giải trí sinh thái, giáo dục Nông trại Rồng, Khu giải trí Snow Town…), các điểm du lịch này mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, vui chơi, trải nghiệm
- Du lịch gắn với thăm viếng các điểm thờ tự tôn giáo (đình, đền, chùa, nhà thờ...): trên địa bàn hiện có các cơ sở tôn giáo nổi tiếng linh thiêng và diễn ra các nghi thức hành lễ độc đáo như: Đình Phong Phú (Lễ hội Kỳ Yên với những chương trình nghệ thuật tuồng cổ, cải lương), chùa Nam Thiên Nhất Trụ (Một phiên bản độc nhất vô nhị của Diên Hựu Tự ở Hà Nội được dựng lên ở xứ sở phương Nam nhằm vẽ lại một thoáng lịch sử trong giấc mơ của Vua Lý Thái Tông), pháp viện Minh Đăng Quang (nơi có 4 kỷ lục Việt Nam: 4 bảo tháp lớn nhất, bảo tháp gỗ tại chánh điện lớn nhất, nơi tổ chức đại lễ 60 năm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng lớn nhất, Lễ Khất thực cố Phật lớn nhất), chùa Bửu Long (Lễ Sớt Bát diễn ra vào mỗi buổi trưa), chùa Phước Long (Lễ Vía Bà với nghệ thuật múa Hầu Bóng vào ngày 23/4 AL)…
- Du lịch mua sắm, ẩm thực: hiện nay hệ thống bán lẻ hiện đại đang phát triển nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của nhân dân, nhất là các kênh kinh doanh tại 05 trung tâm thương mại, 36 siêu thị, 236 cửa hàng tiện lợi, trong đó có các cơ sở đã được cấp biển hiệu “Đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”: Co.opmart Xa lộ Hà Nội, Giga Mall Phạm Văn Đồng, Mega Mall Thảo Điền... Bên cạnh đó, các điểm ăn uống nổi tiếng như Nem Bà chín (truyền nhân của làng nghề Nem Thủ Đức), Bánh mì Bảy Kẹo (ẩm thực đường phố), Nhà hàng L’Escale by THIERRY DRAPEAU (có đầu bếp đạt chuẩn 2 sao Michelin), các quán ăn uống có thiết kế đẹp, lạ như Square 39, Ngôi nhà màu hồng và chiếc xe xanh, Sadéc District… không chỉ thu hút khách đến thưởng thức ẩm thực mà còn chụp ảnh lưu niệm, trải nghiệm những khoảnh khắc thú vị Tất cả những sản phẩm hàng hóa dịch vụ nói trên hình thành nên tính đặc trưng và mang lại giá trị cốt lõi cho thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các sản phẩm mang tính đặc trưng này chưa được rà soát, thống kê, hệ thống, đánh giá và công nhận một cách có hệ thống và khoa học; vẫn chưa được đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Một số nghề truyền thống trên địa bàn thành phố còn phát triển theo hình thức tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu theo hộ gia đình, chưa được tập hợp, quản lý và duy trì phát triển; ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến sản phẩm chưa nhiều dẫn đến chất lượng thiếu đồng nhất, thiếu ổn định; sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử đã có từ lâu đời nhưng chưa được hệ thống, cập nhật trên các trang tìm kiếm trong khi xã hội đang bùng nổ về thông tin. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm, dẫn đến sản phẩm đặc trưng của địa phương khó bền vững Thực tế cho thấy, việc xây dựng danh mục các sản phẩm đặc trưng cùng với chất lượng sản phẩm được đảm bảo, mang nét đặc trưng riêng sẽ góp phần đưa các sản phẩm, hàng hóa có chỗ đứng trên thị trường trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt. Việc xây dựng thành công sản phẩm đặc trưng sẽ giúp các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn mở ra hướng phát triển kinh tế hàng hóa mũi nhọn cho thành phố Thủ Đức; sản phẩm, hàng hóa sẽ đến gần hơn với người tiêu dùng và tạo được nguồn lợi lớn cho xã hội góp phần phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc Trước thực trạng đó, mặc dù thành phố Thủ Đức có khá nhiều sản phẩm, hàng hóa có khả năng nhận diện cao khi nhắc đến, tuy nhiên trước mắt xây dựng, phát triển thương hiệu cho 3 sản phẩm đặc trưng được đề xuất
Để thành phố Thủ Đức có những sản phẩm, hàng hóa có khả năng nhận diện cao khi nhắc đến, tạo ra sự khác biệt giữa địa phương này và địa phương khác, điểm đến này với điểm đến khác thì cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng gồm 3 sản phẩm, cụ thể:
+ Sản phẩm “Mai vàng Thủ Đức”
+ Sản phẩm “Du lịch văn hóa - Lịch sử Thủ Đức”
+ Sản phẩm “Nem Thủ Đức”
* Sản phẩm Mai vàng Thủ Đức
Về yếu tố lịch sử: Mai vàng được nông dân, người dân Thủ Đức trồng rất lâu đời từ khi nào cũng chưa biết rõ. Trước những năm 1980, cây mai vàng chủ yếu chỉ để cắt cành cấm vào bình hoa trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Sau đó, theo thời gian nhận thấy cây mai vàng đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời cũng là nét đẹp văn hóa, các hộ nông dân đã chuyển sang trồng mai ghép, đưa cây vào thuần chậu tạo hình, tạo dáng bonsai đẹp… cung cấp cho thị trường vào những dịp xuân về, từ đó cây mai vàng Thủ Đức được nhiều người biết đến trên khắp mọi miền đất nước, từ đó nói đến Mai vàng là người ta nghĩ đến Mai vàng Thủ Đức Mai vàng Thủ Đức được xem là món quà ban tặng cho vùng đất Thủ Đức Thuộc loại mai đẹp có màu sắc vàng tươi rực rỡ, bông lớn, nhiều cánh và lâu tàn nhất trong các loại mai hiện nay. Điểm đáng chú ý là mai vàng Thủ Đức còn có tên gọi là giảo thơm, bởi vì mang mùi thơm đặc trưng riêng mà không loài mai vàng nào so sánh được. Mai vàng Thủ Đức có thể trở thành huyền thoại vì nó được nhân giống rất nhiều loại khác nhau. Nhờ sự nhân giống đó đã tạo nên nhiều sự đột biến về gen có thể làm hoa mai đẹp hơn, số cánh hoa giao động từ 6 đến 8 cánh, có khi đột biến có cây cho 10 cánh, 12 cánh, 24 cánh. Được biết, giá thành của mai vàng Thủ Đức sẽ rẻ hơn các giống mai khác và chi phí đầu tư kinh doanh cũng thấp
Về số lượng, phân bổ: Mai vàng Thủ Đức có sức sống khỏe, phát triển tốt với ưu thế về điều kiện đất đai, khí hậu, vị trí địa lý nên thành phố Thủ Đức đã phát triển trồng cây hoa kiểng, hoa nền từ lâu, trong đó đặc biệt là cây mai vàng được trồng trên đất vườn tập trung tại các phường Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Phú Hữu, Long Trường, Trường Thạnh và phường Long Phước với hơn 204 hộ chuyên trồng mai vàng và 84 hộ trồng bon sai, lan, hoa nền các loại, với hơn 27ha diện tích trồng mai và hoa nền
Về giá trị kinh tế: Là một loại sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân vào dịp Lễ, Tết và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Trong điều kiện quá trình đô thị hoá đang phát triển nhanh, cây mai vàng Thủ Đức đã góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn, tạo điều kiện ổn định cho sản xuất nông nghiệp; giải quyết được việc làm cho các hộ nông dân và người lao động có tay nghề trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Có thể nói chưa có loại cây nào hiệu quả kinh tế cao như cây mai, cây càng để lâu, giá trị kinh tế càng cao, có chiều hướng phát triển tốt trong điều kiện kinh tế nông nghiệp đô thị, phát triển loại hình dịch vụ chăm sóc hoa, cây cảnh Về giá trị văn hóa: Mai vàng có giá trị văn hóa truyền thống, là loại cây tượng trưng cho ngày Tết ở Việt Nam và được rất nhiều người yêu thích, bởi mai mang sắc vàng tươi của nắng, rạng rỡ và tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc. Khi mức sống người dân càng cao, giàu có, nhu cầu trưng cây cảnh ngày càng phát triển, nhất là muốn có các loại cây kiểng trưng trong nhà thì cây mai là sự lựa chọn mà người dân dù có thu nhập cao hay thấp đều có thể mua trưng vào dịp Lễ - Tết. Hoa mai vàng nở rộ, đều trong những ngày xuân về chính là thể hiện sự may mắn, tròn đầy, sung túc, đem đến tinh thần tươi vui tràn đầy hi vọng trong năm mới
Từ những yếu tố lịch sử, quy mô số lượng và vùng phân bổ, giá trị kinh tế và giá trị văn hóa, sản phẩm Mai vàng Thủ Đức có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, được nhiều người biết đến; đó là những khác biệt và đặc trưng riêng có của nó.
* Sản phẩm Du lịch văn hóa - Lịch sử Thủ Đức
Về yếu tố lịch sử: Phải khẳng định rằng yếu tố lịch sử có ý nghĩa và tầm quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển sản phẩm Du lịch văn hóa - Lịch sử Thủ Đức, điều này thành phố Thủ Đức có lợi thế hơn các địa phươngkhác. Cùng với sự hình thành hơn 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức cũng có quá trình phát triển lâu đời, có những di tích được xây dựng từ rất lâu và là điểm đến của người dân trên mọi miền Tổ quốc, điển hình như: Chùa Huê Nghiêm (204 Đặng Văn Bi, khu phố 1, phường Bình Thọ) là ngôi chùa cổ xưa nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, là bằng chứng về trình độ kiến trúc và phong tục tập quán của người Việt trên vùng đất mới khai phá, mở ra nền văn minh trên vùng đất hoang sơ cách đây gần 400 năm. Hay như Hội Sơn Cổ Tự (chùa Hội Sơn) tọa lạc trên nền một di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Đồng Nai có niên đại trên 3000 năm (vào thời đại kim khí), ở đây lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như tượng Giám Trai, tượng Chuẩn Đề... có giá trị nghiên cứu. Chùa Hội Sơn đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 43-VH/QĐ ngày 7 tháng 01 năm 1993 Không thể không nhắc đến là Đền tưởng niệm các Vua Hùng tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc tọa lạc trên trên vùng đất thiên liên, bình yên, gợi sự giao hòa trời đất tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của những người con phương Nam xa quê hương hướng về quê cha đất tổ… Đình Phong Phú là địa điểm nổi tiếng về văn hóa truyền thống cũng như yếu tố lịch sử. Đình Phong Phú được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 57-VH/QĐ ngày 18 tháng 01 1993. Đình Phong Phú gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Nhân dân làng Phong Phú và Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Căn hầm bí mật để nuôi dấu cán bộ, chiến sỹ Cách mạng năm xưa đã được chỉnh trang phù hợp phục vụ khách tham quan Bót Dây Thép được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 57- VH/QĐ ngày 18 tháng 01 năm 1993. Di tích Bót Dây thép có giá trị lịch sử rất tiêu biểu - là chứng tích ghi dấu tội ác chiến tranh của thực dân Pháp đối với nhân dân Vùng bưng sáu xã từ những ngày đầu xâm lược Sài Gòn - Gia Định cho đến năm 1947. Đồng thời, ghi dấu tinh thần anh dũng không khuất phục trước kẻ thù tàn bạo của Nhân dân Sài Gòn - Gia Định Chùa Châu Hưng được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh cấp Thành phố theo Quyết định số 3946/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Châu Hưng từng là cơ sở của Cách mạng, là nơi nuôi dưỡng, tiếp tế lương thực, cung cấp tình hình địch và là điểm hội họp của cán bộ - chiến sĩ ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược
Về số lượng, phân bổ: Vùng Thủ Đức tập trung trên 284 cơ sở quan trọng của Phật Giáo, Giáo hội Công Giáo và các Đình - Đền thờ (gồm 143 chùa, 37 giáo sứ công giáo, 18 đạo cao đài, 55 dòng tu các loại và một số hội tín ngưỡng khác…), có nhiều bia, đài tưởng niệm. Trong đó có: 7 di tích được công nhận cấp Quốc gia, 16 di tích được công nhận cấp Thành phố và 7 di tích đang kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa chờ được công nhận. Các di tích, Đền, Đình được phân bổ đều khắp các khu vực trên địa bàn thành phố Thủ Đức. So với các địa phương khác thì đây là một lợi thế thúc đẩy địa phương phát triển nhất là hoạt động dịch vụ - du lịch, đồng thời cũng góp phần giáo dục truyền thống cho nhân dân
Về giá trị văn hóa: Sản phẩm Du lịch văn hóa - Lịch sử mang lại giá trị văn hóa vô cùng to lớn cho thành phố Thủ Đức, việc đưa sản phẩm này vào danh mục các sản phẩm đặc trưng thuận lợi hơn cho việc bảo tồn, bảo trì, phục dựng, cải tạo những di tích. Đồng thời có ý nghĩa giáo dục, nhất là lịch sử vàtruyền thống cách mạng của quân và dân Thủ Đức. Sản phẩm Du lịch văn hóa -Lịch sử là hình thức du lịch dựa trên cơ sở khám phá văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh vừa có mục đích đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Du lịch văn hóa - Lịchsử không chỉ mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm mới lạ về một vùng đất mới mà còn chứa đựng những giá trị, trải nghiệm tinh thần hết sức thiêng liêng cho người đi du lịch tham quan
Về giá trị kinh tế: Sản phẩm Du lịch văn hóa - Lịch sử là ngành kinh doanh không khói mang lại giá trị lớn, góp phần vào sự phát triển ngành dịch vụ - du lịch của thành phố Thủ Đức. Đơn cử Khu du lịch văn hóa Suối Tiên bình quân mỗi ngày đón khoảng hơn 10.000 lượt khách, chỉ tính riêng trong dịp lễ 02/9/2023 đón khoảng 25.000 lượt khách; chùa Hội Sơn vào các dịp Lễ, Rằm, ngày nghỉ đón hơn 1.000 lượt người; nhân Lễ kỳ yên các Đình trên địa bàn mỗi đợt đón tiếp vài ngàn du khách đến dự lễ và tham quan... Hơn nữa tạo ra công ăn việc làm, nâng thu nhập người dân, hình thành hệ sinh thái kéo theo sự phát triển các ngành khác như ăn uống, vận tải, mua sắm… Đây cũng được xem là lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai Với những yếu tố nêu trên, một lần nữa khẳng định rằng sản phẩm Du lịch văn hóa - Lịch sử Thủ Đức là đặc thù, lợi thế của thành phố Thủ Đức so với các vùng khác
* Sản phẩm Nem Thủ Đức
Về yếu tố lịch sử: Nem chua là một món ăn phổ biến của đất Việt, tùy vào khẩu vị của từng vùng miền mà nem được chế biến khá khác nhau và có những ngọt, mùi thơm của lá Đinh Lăng thì nem miền Nam lại dùng đường lá ổi. Cũng vì thế mà nem miền Nam bên cạnh vị chua còn có vị ngọt khiến người ta ăn cảmthấy ngon miệng mà không bị ngấy. Nhắc đến nem miền Nam người ta sẽ nhớ đến các tên tuổi đã vang danh như nem Lai Vung Út Thẳng và trong đó đất Sài Gòn chợ lớn ngày ấy không ai không biết đến làng nem Thủ Đức Có những món ăn đã trở thành bản sắc văn hóa của người Việt Nam, chúng ta không thể không nói đến nem, một sản phẩm lên men lactic từ thịt Nem luôn góp mặt trong những dịp lễ quan trọng của người Việt Nam như: đám cưới, đám hỏi, Tết cổ truyền…Vùng miền nào suốt dọc chiều dài đất nước cũng có món nem. Hương vị nem theo đó mà cũng phù hợp và là biểu thị cho văn hóa con người, từng vùng miền. Món nem có mặt ở cả ba vùng miền, mỗi miền lại có những hương vị đặc trưng thu hút khác nhau, ở miền Bắc món nem có vị mặn chua, nem Miền Trung lại có vị cay đặc trưng, vị ngọt trong nem ở Tây Nam Bộ còn nem Thủ Đức được biết đến như được hòa quyện tất cả những tinh túy ngon nhất của những món nem trên. Nem Thủ Đức chua dịu ngọt mà ăn hoài không chán, sản phẩm nem Thủ Đức với phương pháp chế biến truyền thống, sử dụng nguyên phụ liệu tươi sống, nguồn gốc rõ ràng, lên men tự nhiên, cộng thêm những gia vị bí truyền, đã tạo nên sự khác biệt và để lại dấu ấn sâu sắc cho những ai từng một lần thưởng thức Vào những năm 70 đầu thế kỉ XX, tại miền Nam Việt Nam xuất hiện một số sản vật nổi tiếng của một số địa phương như Đồng Tháp có nem Lai Vung thì tại mảnh đất Sài Gòn có làng nem Thủ Đức. Hương vị nem Thủ Đức bao nhiêu năm vẫn thế, vẫn giữ được hương vị như thuở mới hình thành, như nét ẩm thực đại diện cho văn hóa một vùng đất. Nem Thủ Đức đặc biệt hơn những loại nem khác đó chính là sắc hồng tự nhiên, vị vừa chua vừa ngọt, có độ dai giòn tự nhiên, vị của thịt hòa cùng các gia vị tạo nên một loại mỹ thực dân dã mà đậm đà khó quên. Đó là sự khác biệt và đặc trưng của Nem Thủ Đức, và khi nghĩ đến món ăn ở Thủ Đức thường người ta nghĩ đến từ Nem Thủ Đức.
Về số lượng, phân bổ: Tập trung nhiều nhất tại Khu vực chợ Thủ Đức và đường Kha Vạn Cân phường Linh Đông, Khu vực chợ Kiến Thiết phường Hiệp Phú có hơn 20 hộ làm nem và hơn 100 hộ kinh doanh
Về giá trị kinh tế: Do các cơ sở Nem chua được hình thành từ kinh tế hộ gia đình, đồng thời có trường hợp mang yếu tố cha truyền con nối, giá trị kinh tếvề tổng thể không lớn nhưng vẫn góp phần trong phát triển kinh tế hộ, giải quyếtcông ăn việc làm. Với sự nhiệt huyết giữ lửa nghề của những người làm nghề trong tương lai nem Thủ Đức sẽ tiếp tục giữ vững được thương hiệu, duy trì và phát triển